Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Đừng lo (19.10.2019 – Thứ Bảy Tuần 28 TN)

Thứ Bảy Tuần 28 TN


Ca nhập lễ

Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chẳng ?
Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ,
lạy Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en.
Bài đọc 1
Mặc dầu không còn gì để trông cậy, Áp-ra-ham vẫn trông cậy và vững tin.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
13 Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp ; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin. 16 Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa ; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, 17 như có lời chép : Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống, và khiến những gì không có hoá có.
18 Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán : Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.
Đáp ca
Đ.Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
6Hỡi anh em, dòng dõi Áp-ra-ham tôi tớ Chúa,
con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn !
7Chính Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta,
những điều Người quyết định
là luật chung cho cả địa cầu.
Đ.Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
8Giao ước lập ra, muôn đời Người nhớ mãi,
nhớ lời đã cam kết đến ngàn thế hệ !
9Đó là điều đã giao ước cùng Áp-ra-ham,
đã đoan thệ cùng I-xa-ác.
Đ.Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
42Ấy là vì Chúa nhớ lại lời thiêng đã hứa
cùng Áp-ra-ham, tôi tớ của Người.
43Chúa đưa Dân Người, những kẻ Người đã chọn,
vui vẻ ra đi giữa tiếng reo hò.
Đ.Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi.
Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
8 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói cho anh em biết : phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.
10 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha ; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.
11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”
Ca hiệp lễ

Kẻ giàu sang phải bần cùng khốn khổ,
còn ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì.

Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
[audio mp3="http://giaoxuthienan.net/wp-content/uploads/2019/10/T7T28TN.mp3"][/audio]
Người ta thường nói giữ đạo tại tâm.
Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,
nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm.
Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.
Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.
Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.
Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,
nhưng quyết không bước qua thập giá.
Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57).
Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,
đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn.
Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.
Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.
Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa,
hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay,
Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng,
như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang.
Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã.
Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).
Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng.
Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)
sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ.
Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.
Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông,
vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13).
Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).
“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì,
vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).
Không sợ và không lo,
đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.
Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10).
Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố,
khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta.
Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu.
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.
Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận.
Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.
Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần
để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới.
Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm loan báo Tin Mừng (19.10.2019 – Thứ Bảy Tuần 28 TN)

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY
Suy niệm loan báo Tin Mừng (19.10.2019 – Thứ Bảy Tuần 28 TN)
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
Thư Rm 4, 13. 16-18
Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: “Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc”. (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông đã tin, Đấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”.

Tin Mừng Lc 12, 8-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
“Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.
Suy niệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dự báo trước những bối cảnh khác nhau mà các tông đồ sẽ gặp khi làm chứng cho Người, gồm cả khả năng họ sẽ gặp phải những phản ứng thù nghịch. Ra trước các hội đồng Do Thái và trước các nhà cầm quyền, họ sẽ làm chứng đức tin của họ trước các môi trường tôn giáo và dân sự. Các lời của Người được ứng nghiệm trong sách Công Vụ Tông Đồ khi Phaolô giảng trong hội đường ở Salamis (x. Cv 13:4-17) và khi ngài làm chứng cho Đức Giêsu trước nhà cầm quyền Rôma (x. Cv 21:33–22:29). Đức Giêsu bảo đảm cho những ai theo Người rằng lời chứng của họ ở trần gian sẽ đạt thấu trời; cũng như họ nhìn nhận Con Người trước mặt các cộng đồng tôn giáo hay dân sự ở dưới đất này thế nào, thì Con Người cũng sẽ nhìn nhận họ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa như vậy. Ngay trước đó, Đức Giêsu đã từng khích lệ các môn đệ hãy dũng cảm và tin tưởng vào những thời kỳ bị bách hại. Như có thể suy ra từ phần còn lại của bài giảng truyền giáo, Người không hứa cho họ sự thảnh thơi hay không bị đánh đập và chối bỏ, nhưng Người cho họ thấy gốc rễ thật sự của tự do: chiến thắng sự sợ hãi bắt nguồn từ chiến thắng của Đức Giêsu trên sự chết. Đối với Đức Giêsu và các môn đệ của Người, Phục Sinh sẽ là trải nghiệm cuộc chiến thắng này.
Những thời điểm trong lịch sử, khi các môn đệ được kêu gọi công khai nhìn nhận Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Mêsia, đó là thời điểm công bố cuộc phán xét cuối cùng trước mặt Thiên Chúa, khi chính Đức Giêsu, là Con Người, sẽ đứng lên làm vị luật sư bào chữa. Trong hình ảnh của tiến trình tố tụng (x. Is 50:8-9); Rm 8:33), chúng ta hình dung ra Chúa Phục Sinh, Đấng đang ở với Thiên Chúa, nhưng cũng đang hiện diện thực sự trong Hội Thánh nhờ Thần Khí của Người, trong cuộc đấu tranh với các lãnh đạo và các thế lực của thế gian này mà các môn đệ vẫn tiếp tục phải đối diện (x. Lc 11:11-12).
Lời phát biểu của Đức Giêsu rằng tôi phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha thứ khiến chúng ta khá ngạc nhiên, nếu nghĩ về dụ ngôn người con hoang đàng (sẽ được kể sau đó ba chương trong Lc), nhấn mạnh việc tha tội. Nhưng chúng ta phải hiểu lời dạy này trong bối cảnh cụ thể của khái niệm Luca về sứ mạng Kitô giáo. Những người đi theo Con Người sẽ chối bỏ Người, như chúng ta thấy ngay cả ông Phêrô, tông đồ thứ nhất giữa các tông đồ, đã chối bỏ Đức Giêsu khi Người bị bắt. Phêrô đã không nhìn nhận Đức Giêsu và không trung thành với Người vì ông chưa chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, và cũng chưa nhận lãnh Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần. Nhưng ông Phêrô đã được tha thứ với lời chào của Chúa Phục Sinh, “Bình an cho anh em” (Lc 24:36), và bằng tình yêu (x. Ga 21:15-19). Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, trải nghiệm Tin Mừng được hoàn tất và ông Phêrô được đổi mới và được tràn đầy quyền năng của Chúa Kitô Phục Sinh, được chắc chắn về ơn đức tin. Lời tuyên xưng Kitô học của ông là kết quả của Thánh Thần trong ông (x. Mt 16:18).
Đương nhiên Luca rất ý thức về các trải nghiệm của Hội Thánh sơ thời trong sách Công Vụ - việc can đảm làm chứng của các tông đồ (x. Cv 4:5tt.; 5:32), nhưng cũng ý thức về sự dấn thân của các cộng đoàn Kitô hữu trước nguy cơ bỏ đạo hay yếu đức tin khi phải đối diện với những mối đe dọa và đàn áp từ bên ngoài. Sau đó ông nhắc nhớ lại một câu nói của Đức Giêsu khiến các tín hữu phải suy nghĩ, làm cho họ ý thức hơn và mạnh mẽ hơn: một lời chống lại Con Người sẽ có thể được tha thứ, nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không thể được tha. Ai từ chối Con Người trong sứ vụ của Người ở trần gian này thì sẽ được tha và sẽ được một cơ hội mới nhờ ơn Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần; do đó họ sẽ có thể nhận được ơn hoán cải và ơn tha tội. Đó là trường hợp của Phaolô và của nhiều người Do Thái đã hoán cải. Nhưng làm thế nào một người có thể có thể được tha tội nếu họ từ khước Thánh Thần - Đấng là nguồn gốc và tác nhân của ơn tha thứ, sám hối và đổi mới của các môn đệ? Luca thấy điều này được khẳng định trong kinh nghiệm về sự cứng đầu và mù quáng của những người đã chối bỏ các chứng từ của các tông đồ (x. Cv 28:25-28). Đây là một hành vi hoàn toàn ý thức và tự do đóng chặt cửa trước hành động của Thánh Thần và chuyển động hòa giải và tha thứ của Thánh Thần, đến mức không người nào có thể được cứu rỗi ngược với ý muốn và hành động của họ. Việc đón nhận hay từ khước Chúa Thánh Thần là một mối quan hệ mầu nhiệm của lương tâm và tự do của chúng ta với Thiên Chúa; chỉ một mình Thiên Chúa thấu suốt lòng chúng ta. Chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng biết rõ lòng chúng ta, có thể ban cho chúng ta ơn tha tội và ơn cứu độ.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng

Tân Tổng Thư ký Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Thời Sự Thời Sự Giáo Hội Việt NamTân Tổng Thư ký Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ngày16/10/2019, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh đã bổ nhiệm cha Giuse Hà Đăng Định, giáo phận Xuân Lộc, làm Tổng Thư ký của Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Cha Giuse Hà Đăng Định hiện là Trưởng Ban Mục vụ Gia đình Giáo phận Xuân Lộc và là cha chánh xứ giáo xứ Thánh Tâm (Hố Nai).
Sau đây là chứng thư bổ nhiệm:
ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH
TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, Tel: 028 3820 5242
CHỨNG THƯ BỔ NHIỆM
Số: 01/BN – 2019
- Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng Giám mục Việt Nam;
- Căn cứ nghị sự phiên họp ngày 15-16/10/2019 của Ủy ban Mục vụ Gia đình tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn;
- Căn cứ năng lực và sự đồng thuận của đương sự;
NAY TÔI QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM LINH MỤC GIUSE HÀ ĐĂNG ĐỊNH VÀO CHỨC VỤ TỔNG THƯ KÝ ỦY BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM NHƯ SAU:
Điều 1: Nhiệm vụ của Tổng thư ký là:
- Chấp hành đường lối của Giám mục Chủ tịch Ủy ban;
- Điều hành văn phòng trung ương của Ủy ban;
- Liên kết và tương tác với các cha trưởng ban Mục vụ Gia đình 27 giáo phận.
Điều 2: Nhiệm kỳ của Tổng thư ký kéo dài cho đến khi có quyết định mới của Chủ tịch Ủy ban.
Điều 3: Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ấn ký.
Làm tại Sài Gòn ngày 16 tháng 10 năm 2019
Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Gia đình
Đã ký
+ Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
Giám mục Giáo phận Đà Lạt

Nguồn: Uỷ Ban Mục Vụ Gia Đình