Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

QUY ĐỊNH VỀ MỤC VỤ BÍ TÍCH


QUY ĐỊNH VỀ MỤC VỤ BÍ TÍCH
- Chiếu theo những qui định chung của Bộ Giáo Luật, các Sách Phụng Vụ và các văn kiện liên quan;
- Do trách nhiệm phải cổ vũ việc tuân giữ kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội;[1]
- Dựa trên năng quyền dành cho các Giám mục,[2]
Tổng Giám mục Tổng giáo phận Tp. HCM quyết định những điều phải giữ khi cử hành Thánh Lễ và các Bí tích trong toàn giáo phận như sau:
A. CỬ HÀNH VÀ TÔN SÙNG THÁNH THỂ
I. QUI ĐỊNH TỔNG QUÁT
- Các linh mục chỉ được cử hành hay đồng tế Thánh lễ một lần trong ngày. Khi có lý do chính đáng hay do nhu cầu mục vụ, Đức Tổng Giám mục cho phép các linh mục trong Giáo phận được cử hành Thánh lễ tối đa hai lần trong ngày thường và ba lần vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.[3]
- Thánh lễ phải được cử hành ở nơi thánh. Trong trường hợp cần thiết và với phép của Giám mục có thể cử hành Thánh lễ tại một nơi xứng đáng ngoài nơi thánh.[4]
- Không bao giờ được phép cử hành Thánh lễ trong một đền thờ hoặc một nơi tôn nghiêm của một tôn giáo không phải Kitô giáo.[5]
- Lễ phục cử hành Thánh lễ là áo lễ (casula) với màu sắc phù hợp bên ngoài áo alba và dây stola. Không được phép bỏ dây stola hoặc chỉ mang dây stola trên áo thụng của tu viện hay trên tu phục hoặc áo thường.[6]
- Linh mục cần phải dọn mình cách xứng hợp bằng lời cầu nguyện trước khi cử hành Hiến Tế Thánh Thể, và đừng quên tạ ơn Thiên Chúa sau khi cử hành.[7]
II. LƯU Ý KHI CỬ HÀNH
1. Về bản văn:
- Linh mục không được tùy tiện thay đổi bản văn phụng vụ đã được Tòa Thánh phê chuẩn và Hội Đồng Gíam Mục công bố;[8] cũng không được thêm những ý nguyện riêng vào Kinh Nguyện Thánh Thể, trừ những gì đã được Sách Phụng Vụ dự trù cho những dịp đặc biệt.[9]
- Kinh Thương Xót luôn phải đọc hoặc hát kèm theo hai mẫu thống hối I và II (Kinh thú nhận, và mẫu đối đáp “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con / Vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa.”[10]
- Kinh Tin Kính[11]: không được phép sử dụng một Kinh Tin Kính hay cách tuyên xưng đức tin không có trong các sách phụng vụ được phê chuẩn (vd: Kinh Tin Kinh của Lm. Hoài Đức).
2. Về cử chỉ điệu bộ:
- Cử chỉ và điệu bộ cả của linh mục, phó tế hay các thừa tác viên cũng như của dân chúng phải thế nào để toàn thể việc cử hành có được vẻ đẹp đơn sơ trang trọng, giúp thấy rõ ý nghĩa thật và đầy đủ các phần khác nhau cũng như làm cho sự tham dự của mọi người được dễ dàng hơn.[12]
- Sau khi đặt bánh rượu, linh mục cúi mình trong khi đọc lời nguyện: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con…” chứ không phải cúi sau khi đã đọc lời nguyện kẻo được hiểu lầm là cúi chào bánh rượu.[13]
- Đưa tay khi truyền phép: nếu thuận tiện, trong khi đọc lời truyền phép, các linh mục đồng tế đưa tay phải về phía bánh và chén, lòng bàn tay đứng.[14]
- Dang tay: là cử chỉ của chủ tế khi hành động nhân danh Chúa Kitô là đầu (In persona Christi capitis). Chỉ có chủ tế và các vị đồng tế dang tay trong khi đọc Kinh Lạy Cha, cộng đoàn không dang tay.[15]
- Nghi thức chúc bình an: không bao hàm ý nghĩa hòa giải, nhưng có mục đích biểu lộ sự bình an, hiệp thông và lòng bác ái trước khi lãnh nhận Thánh Thể.[16] Phải tránh rời vị trí, gây xáo trộn cộng đoàn cũng như những cử chỉ “mang tính thế tục”.[17] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ấn định khi chúc bình an cộng đoàn quay vào giữa và cúi chào nhau.[18]
- Cử chỉ bẻ bánh: biểu thị rằng các tín hữu làm nên một thân thể khi thông hiệp vào cùng một tấm bánh (x. 1Cr 10,17). Nghi thức này bắt đầu sau nghi thức chúc bình an để chuẩn bị cho phần hiệp lễ, chứ không thực hiện kèm theo lời tường thuật thiết lập bí tích Thánh Thể.[19]
3. Về việc rước lễ:
- Việc rước lễ dưới hai hình là hình thức đầy đủ hơn dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể.[20] Ngoài những trường hợp được nói đến trong sách nghi thức, Đức Tổng Giám mục cho phép các linh mục chủ tế có thể quyết định cho rước lễ dưới hai hình trong những dịp thích hợp.[21]
- Các tín hữu nên được rước Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép trong chính thánh lễ.[22] Do đó, nên hết sức tránh truyền phép quá nhiều bánh để xảy ra tình trạng người tín hữu dự lễ này mà rước Mình Thánh Chúa dư lại của lễ trước.
- Thừa tác viên ngoại thường trao Mình Chúa chỉ được cho rước lễ khi không có thừa tác viên có chức thánh khác hiện diện.[23] Thừa tác viên ngoại thường không được tự mình rước lễ như các linh mục đồng tế mà phải nhận Mình Thánh Chúa từ tay linh mục.[24]
Nếu không có thầy có tác vụ giúp lễ hoặc thừa tác viên ngoại thường trao Mình Chúa đã được bản quyền ủy nhiệm, linh mục chủ tế có thể ban phép từng lần một tín hữu đạo đức cho rước lễ ngay trong Thánh lễ đó, bằng lời chúc lành: “Xin Thiên Chúa X chúc lành cho …., để …. trao Mình Thánh Chúa cho anh chị em”; thừa tác viên thưa: “Amen”. Sau đó, thừa tác viên rước lễ và nhận bình thánh từ tay chủ tế. [25]
4. Giúp lễ nam hay nữ:
- Theo truyền thống, trẻ em nam được khuyến khích và ưu tiên trong việc giúp lễ. Đây là môi trường để các em tiếp cận và được thôi thúc theo đuổi ơn gọi linh mục.
- Tùy theo hoàn cảnh mục vụ và vì lợi ích của cộng đoàn, các cha xứ có thể chọn và huấn luyện cho trẻ em nữ dưới 12 tuổi phục vụ bàn thờ.
III. THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ
Việc đồng tế biểu lộ cách thích đáng sự hợp nhất của chức linh mục, của hy lễ và của toàn thể dân Chúa.[26]
1. Các trường hợp buộc đồng tế:
- Nghi lễ tấn phong Giám mục và truyền chức linh mục;
- Lễ chúc phong Đan viện phụ;
- Thánh lễ làm phép dầu.
2. Các trường hợp nên đồng tế:
- Thánh lễ Tiệc Ly chiều thứ Năm tuần Thánh;
- Thánh lễ tu viện và Thánh lễ chính tại các nhà thờ và nhà nguyện[27];
-             Thánh lễ nhân dịp hội họp của các linh mục triều hay dòng.
3. Các trường hợp được phép:
a) Theo luật chung[28]:
- Lễ có Giám mục chủ sự trong những thánh lễ trạm;
- Kỷ niệm ngày tấn phong của Giám mục giáo phận;
- Dịp thăm viếng mục vụ;
- Lễ bổn mạng Giáo phận;
- Lễ nhậm chức cha sở mới[29];
- Lễ khấn dòng trọn đời[30];
- Lễ làm phép, cung hiến nhà thờ[31];
- Lễ cung hiến bàn thờ[32];
- Lễ ban bí tích Thêm sức[33];
b) Do Giám mục[34]: Đức Tổng Giám mục cho phép đồng tế trong những trường hợp dưới đây, nhưng chỉ một lần trong ngày hoặc kèm với những dịp luật cho phép ở trên. Tuy nhiên, các linh mục vẫn phải giữ nguyên tắc chỉ cử hành Thánh lễ tối đa hai lần trong ngày thường và ba lần vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.
- Lễ tạ ơn của tân linh mục, tạ ơn khấn trọn đời của tu sĩ;
- Lễ kỷ niệm thụ phong linh mục;
- Lễ mừng ngân khánh, kim khánh, ngọc khánh linh mục hoặc khấn dòng;
- Lễ bổn mạng giáo xứ;
- Lễ bổn mạng linh mục;
- Dịp tĩnh tâm hay hội họp huấn luyện các thành viên HĐMVGX, các giới, các hội đoàn cấp giáo phận và giáo hạt.
- Lễ an táng và lễ giỗ[35]:              
+ An táng Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và song thân của các vị này;
+ An táng quý chức tân cựu và những người có công đặc biệt do cha xứ cùng với HĐMVGX đệ trình xin phép Đức TGM;
+ Giỗ Giám mục
+ Giỗ Linh mục.
IV. THÁNH LỄ TẠI GIA
1. Theo luật chung:
- Khi ban phép xức dầu bệnh nhân và cho rước lễ như Của ăn đàng[36];
2. Qui định của Giám mục:
- Linh mục về nghỉ hưu tại nhà riêng có thể dâng lễ tại gia, nhưng không được quy tụ giáo dân.
- Cầu cho người mới qua đời: có thể cử hành một Thánh lễ tại gia.
- Trường hợp cha mẹ của linh mục qua đời: trong thời gian đặt di hài tại nhà, có thể mỗi ngày dâng hai Thánh lễ tại gia (sáng và chiều tối); trong đó chỉ có một lễ đồng tế.
V. TÔN SÙNG THÁNH THỂ
1. Rước lễ ngoài Thánh lễ:
- Vì một lý do chính đáng, người tín hữu có thể xin và được cho rước lễ ngoài Thánh lễ, nhưng vẫn phải giữ những nghi thức phụng vụ.[37]
- Khi vắng linh mục, cộng đoàn có thể cử hành phụng vụ Lời Chúa, nhưng nếu vào những ngày thường thì không có nghi thức rước lễ.[38]
2. Chầu Thánh Thể:
- “Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ mang một giá trị vô song trong đời sống của Giáo Hội… Các mục tử có nhiệm vụ khuyến khích, bằng cả chứng tá cá nhân, việc  tôn sùng Thánh Thể, đặc biệt là việc Chầu Thánh Thể, cũng như việc tôn thờ Chúa Kitô hiện diện trong hình bánh rượu”.[39]
- Khi không có linh mục hay phó tế, Đức Tổng Giám mục ủy quyền cho một tu sĩ hay chủng sinh được phép đặt Mình Thánh Chúa để cộng đoàn tôn thờ. Giờ chầu kết thúc bằng lời nguyện mà không có phép lành Thánh Thể. Tránh mọi hình thức nâng Mình Thánh lên có thể gây hiểu lầm là ban phép lành, dù chỉ để cộng đoàn chiêm ngắm.
B. CỬ HÀNH CÁC BÍ TÍCH KHÁC
I. RỬA TỘI VÀ THÊM SỨC
1. Địa điểm và thời gian:
- Nơi cử hành Rửa tội thông thường là nhà thờ hoặc nhà nguyện. Nên cử hành bí tích Rửa tội vào ngày Chúa Nhật hoặc nếu có thể được vào đêm Canh thức Phục Sinh.[40]
2. Đối với trẻ em:
- Trẻ em được rửa tội tại giáo xứ của cha mẹ. Khi có lý do chính đáng, cha mẹ có thể xin rửa tội cho con mình tại một giáo xứ khác.[41]
- Trẻ em lâm cơn nguy tử phải được rửa tội ngay.[42] Đối với trẻ em đã được rửa tội mà nguy tử thì phải ban bí tích Thêm sức.[43]
3. Đối với người trưởng thành:
- Người trưởng thành muốn được rửa tội cần trải qua thời kỳ dự tòng ít là sáu tháng để học hỏi và thực tập sống đức tin.
- Nên cử hành khai tâm theo tiến trình thông thường trong sách “Nghi thức gia nhập Kitô giáo của ngừơi lớn”.[44]
- Chỉ linh mục cử hành rửa tội mới có năng quyền ban Thêm sức cho những người thành niên vừa được rửa tội trong cùng một nghi thức. Nếu có lý do chính đáng muốn ghép những người khác để nhận bí tích Thêm sức vào lúc này thì phải có phép của Đức Tổng Giám mục.
- Nghi thức tiếp nhận anh chị em đã được rửa tội thành sự trong các giáo hội khác ngoài Công Giáo được ấn định trong sách “Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn”. Linh mục cử hành nghi thức này cũng có năng quyền ban bí tích Thêm sức cho họ.
II. BÍ TÍCH HÒA GIẢI
- Ngoài quyền thánh chức, thừa tác viên buộc phải có năng quyền giải tội do chức vụ hoặc được ban do nhà chức trách có thẩm quyền.[45]
- Các cha giải tội được năng quyền tha vạ và tha tội phá thai mà không buộc hối nhân phải thượng cầu, miễn là họ thành tâm sám hối cùng quyết tâm thi hành việc đền tội hữu ích và thích hợp đã được chỉ dạy.[46]
- Bất cứ linh mục nào dù không có năng quyền giải tội cũng có thể tha hết mọi tội và vạ cách thành sự và hợp thức cho một hối nhân lâm cơn nguy tử.[47]
- Trừ khi có lý do chính đáng, linh mục không được giải tội ở ngoài tòa giải tội. Tòa giải tội phải được đặt ở nơi dễ thấy và phải có chấn song ngăn cách thừa tác viên giải tội với hối nhân.[48]
- Trong công thức tha tội, những lời: “Vậy, Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” là những lời thiết yếu. Trong trường hợp khẩn cấp, thừa tác viên chỉ đọc những lời ấy là đủ.[49]
- Mỗi giáo xứ nên ấn định thời gian biểu giải tội để tạo điều kiện thuận lợi cho người tín hữu lãnh nhận Bí tích Hòa giải khi cần thiết.[50]
- Việc xưng tội và xá giải riêng là cách thức thông thường duy nhất để lãnh nhận bí tích Hòa giải. Xưng tội và giải tội tập thể chỉ được áp dụng trong trường hợp nguy tử, hoặc những trường hợp khẩn thiết khác do Giám mục giáo phận thẩm định và cho phép.[51]
III. BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN
- Qua bí tích Xức dầu bệnh nhân, Giáo Hội phó thác những tín hữu bệnh tật hiểm nghèo cho Chúa chịu nạn và vinh quang để Người nâng đỡ và cứu chữa họ.[52]
- Mọi linh mục và chỉ có linh mục mới cử hành thành sự bí tích Xức dầu bệnh nhân.[53]
- Nên cử hành xức dầu cho các bệnh nhân trong giáo xứ vào ngày Quốc tế Bệnh nhân (11/2) theo nghi thức được ấn định trong sách “Nghi thức Xức dầu bệnh nhân”.[54]
- Mọi tín hữu khi lâm bệnh nặng cần được nâng đỡ bằng các bí tích Giải tội, Xức dầu; và nếu nguy tử bệnh nhân cần được rước Thánh Thể như Của ăn đàng. Nên cho họ lập lại đức tin của bí tích Rửa tội trong nghi thức trao Của ăn đàng.[55]
- Khi bệnh nhân bất tỉnh hay mất trí, linh mục vẫn có thể ban bí tích xức dầu.[56] Vì không thể giải tội trong trường hợp này, linh mục chỉ ban ơn toàn xá hay phép lành Tòa Thánh.[57]
- Không ban bí tích Xức dầu nếu bệnh nhân đã chết. Trong trường hợp hồ nghi, linh mục có thể ban ơn toàn xá và bí tích Xức dầu với điều kiện: “Nếu (OBACE) còn sống, thì nhờ việc xức dầu này và nhờ lòng từ bi nhân hậu Chúa…”[58]
- Không được ban bí tích Xức dầu bệnh nhân cho những người cố chấp ở lì trong một tội trọng công khai (người có tội công khai mà cố tình không hoán cải).[59]
- Nếu không có sẵn dầu bệnh nhân đã được làm phép (OI), linh mục có thể dùng dầu thực vật để làm phép trong chính lúc cử hành bí tích Xức dầu bệnh nhân. Sau đó, phần dầu còn dư phải lấy bông gòn thấm và đốt đi.
- Trong trường hợp đặc biệt của bệnh nhân, thay vì xức dầu trên trán và hai tay, linh mục có thể xức dầu trên chi thể khác thích hợp hơn.[60]
- Việc xức dầu phải được thực hiện cẩn thận với những lời đọc, theo thứ tự và thể thức đã được quy định trong sách phụng vụ. Trừ khi có một lý do nghiêm trọng khuyên dùng một dụng cụ, thừa tác viên phải xức dầu trực tiếp bằng chính tay mình.[61]
IV. BÍ TÍCH HÔN PHỐI
- Chỉ những thừa tác viên có năng quyền chứng hôn do chức vụ hoặc do được ủy nhiệm mới có thể chứng hôn thành sự.[62]
- Hôn phối phải được cử hành tại nhà thờ giáo xứ hoặc bên nam hoặc bên nữ, hay tại một giáo xứ khác khi có lý do chính đáng với phép của Đấng bản quyền hoặc của cha xứ.[63]
- Trước khi cử hành bí tích Hôn phối, phải chắc chắn là không có ngăn trở nào làm cho việc cử hành trở nên bất thành sự hay bất hợp pháp.[64]
- Nghi thức hôn nhân giữa hai người Công Giáo thường được cử hành trong Thánh lễ.[65]
- Hôn nhân giữa một người Công Giáo và một người có rửa tội ngoài Công Giáo chỉ hợp pháp khi có phép minh nhiên của giáo quyền.[66] Trường hợp này phải sử dụng nghi thức cử hành hôn nhân ngoài Thánh lễ. Nếu cần và có phép của Đấng bản quyền thì có thể cử hành trong Thánh lễ.[67]
- Hôn nhân của một người Công Giáo với một người dự tòng hay chưa rửa tội đã được bản quyền miễn chuẩn theo Giáo luật phải dùng nghi thức hôn nhân khác đạo, cử hành ngoài thánh lễ, tại nhà thờ hay một nơi nào thuận tiện, và không có phần rước lễ.[68]


[1] Giáo Luật 1983 (GL), điều 392 §2.
[2] Điều 838 §1,4 Bộ Giáo luật chỉ rõ việc ban hành những quy tắc về Phụng vụ buộc phải tuân giữ trong Giáo Hội địa phương thuộc về Giám mục Giáo phận.
[3] x. GL, điều 902 và 905.
[4] x. GL, điều 932 §1.
[5] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ - Redemptionis Sacramentum (BTCĐ, 25.3.2004), số 109.
[6] x. BTCĐ, số 123 và 126.
[7] x. GL, điều 909.
[8] x. BTCĐ, số 59.
[9] Nghi thức Phong chức, Nghi thức Khấn dòng hay Nghi Thức Hôn Phối đều dự trù bản văn riêng được thêm vào phần chuyển cầu.
[10] x. Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma 2000 (QCTQ), số 52; Sách Lễ Roma (SLR) ấn bản mẫu III, số 7; Lễ Nghi Giám Mục (LNGM), số 134.
[11] x. BTCĐ, số 69.
[12] QCTQ, số 42.
[13] x. SLR, số 26.
[14] x. QCTQ, các số 222c, 227c, 230c, 233c.
[15] x. QCTQ, số 237.
[16] x. QCTQ, số 82; BTCĐ, số 71.
[17] x. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Thư luân lưu ngày 8.6.2014.
[18] x. Ủy Ban Phụng Tự thuộc HĐGMVN, Thông cáo ngày 1.1.1992.
[19] x. BTCĐ, số 83.
[20] x. QCTQ, số 281.
[21] x. QCTQ, số 283.
[22] x. QCTQ, số 85.
[23] x. BTCĐ, số 157.
[24] x. Huấn Thị Liên Bộ Ecclesiae de mysterio (15.8.1997), đoạn 8 số 2.
[25] x. SLR, Phụ lục III.
[26] x. QCTQ số 199.
[27] Theo nguyên tắc mỗi linh mục cử hành hay đồng tế thánh lễ một lần trong ngày (x. GL 905 §1, 902), nhưng không được đồng tế trong Thánh lễ trẻ em (x. Notitiae 11 [1975], số 22, tr. 10).
[28] x. QCTQ, số 203; LNGM số 120.
[29] x. LNGM, số 1187.
[30] x. Nghi Thức Khấn Dòng 1970, Những điều cần biết trước số e; cũng xem số 6.
[31] x. LNGM, số 869, 955.
[32] x. LNGM, số 926.
[33] x. Nghi Thức Thêm Sức (1971), Những điều cần biết trước số 13.
[34] x. QCTQ, số 202; Bộ Phụng Tự, thư ngày 12.09.1983, trong Notitiae 19 (1983).
[35] Quý cha đồng tế trong các Thánh lễ An táng này không nhận bổng lễ.
[36] Thánh Bộ Phung tự và Kỷ luật Bí tích, Sắc lệnh Promulgato Codice (12.9.1983), x. Notitiae 19 (1983).
[37] x. GL, điều 918.
[38] x. BTCĐ, số 166.
[39] Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, số 25.
[40] x. GL, điều 857 §1; 856.
[41] x. GL, điều 857 §2.
[42] x. GL, điều 867 §2.
[43] x. GL, điều 891.
[44] x. Bộ Phụng Tự, Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn, Những điều cần biết trước, số 6.
[45] x. GL, điều 966.
[46] x. GL, điều 981, 1354, 1357.
[47] x. GL, điều 976.
[48] x. GL, điều 964 §2,3.
[49] x. Bộ Phụng Tự, Nghi thức Sám hối, 19 và 21.
[50] x. GL, điều 986.
[51] x. GL, điều 960, 961.
[52] x. GL, điều 998.
[53] x. GL, điều 1003 §1.
[54] x. GL, điều 1002; Nghi thức Xức dầu Bệnh nhân (XDBN), số 83-92.
[55] x. XDBN, số 28.
[56] x. XDBN, số 14.
[57] x. XDBN, số 106, 122.
[58] x. XDBN, số 15, 135.
[59] x. GL, điều 1007.
[60] x. XDBN, số 23.
[61] x. GL, điều 1000.
[62] x. GL, điều 1108 §1.
[63] x. GL, điều 1115.
[64] x. GL, điều 1066.
[65] x. Nghi thức cử hành hôn nhân (NTHN), số 29.
[66] x. GL, điều 1124.
[67] x. NTHN, số 36.
[68] x. sđd, số 36, 152-178.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét